
Kính mến tặng Nghệ sĩ lão thành Trần Xuân Ngả
Gần đây, tôi sợ thời gian sẽ cuốn phăng tất cả vào cõi hư vô, sợ sau này không có dịp tiếp xúc với những người mình kính quý. Do vậy, tôi đã mạnh dạn nhờ Nhạc sĩ Văn Luận sắp xếp, liên hệ để mời bằng được Nghệ sĩ lão thành Trần Xuân Ngả đến tư thất để tâm tình, học hỏi và xẻ chia những kinh nghiệm buồn vui trong đời sống.Khung cảnh thanh tịnh như ngày nào, tôi có dịp quan sát người nghệ sĩ lão thành đa tài, thanh nhã, điềm đạm, ít nói và chững chạc. Dù tuổi hạc đã cao, nhưng nét mặt và ánh mắt của Ông vẫn long lanh, tinh anh, luôn ẩn chứa dưỡng chất thuần lương đôn hậu. Ông đã mang hết tâm huyết, mồ hôi nước mắt, dâng trọn đời mình cho nghệ thuật. Những hi hiến tài ba của Ông, xuyên suốt cả cuộc đời vẫn còn cất chứa trong trái tim, trong ký ức, trong tâm hồn người nghệ sĩ.
1. Duyên Lành Ngắn Ngủi:
Nghệ sĩ lão thành tên thật là Trần Văn Chín, nghệ danh là Trần Xuân Ngả sinh năm 1933-tuổi Quý Dậu tại huyện Long Điền, tỉnh Bà-Rịa. Là con Út thứ 9 trong đại gia đình gồm 6 trai, 2 gái. Thời thơ ấu, Ông sống quanh quẩn nơi huyện nhỏ này, hít thở không khí biển trong lành, nhìn vầng trăng khuya êm ả, ngắm buồng cau nải chuối rộn rã tình quê, nên tính tình Ông ít nhiều cũng ảnh hưởng theo kiểu dân quê chất phác.
Theo lời Ông kể, thuở nhỏ Ông theo mẹ đi chùa mỗi đêm và được Hòa thượng Thích Hòa Lợi, trú trì chùa Châu Viên, núi Thùy Vân, ở Long Hải, Bà Rịa, thiết lễ Quy y Tam bảo, ban pháp danh Thiện Bổn lúc lên 5 tuổi.
Nhờ thiện căn sâu dày, năm tròn 8 tuổi, Ông bắt đầu đồng chơn nhập đạo. Nhờ thông minh đỉnh đạt, bốn năm sau, hai thời công phu thuộc làu, nghi thức tán tụng thường dùng thông suốt. Lúc lên 12 tuổi, Ông được Hòa thượng cho thọ giới Sa-di. Từ đó, Hòa thượng Chùa Châu Viên quan tâm thương mến, dành thời gian trực tiếp dạy nghi lễ cho Ông như ước muốn có người kế thừa tổ nghiệp. Giờ biết được, mọi người khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến Ông giỏi nghi lễ, giọng tán tụng ngọt ngào, điệu bộ xướng lễ đượm chút tương chao nhà chùa. Nhưng tiếc thay, duyên lành giải thoát của Ông thật ngắn ngủi!
Sau này, trước những tháng năm lận đận, nhiều biến cố xảy ra trong đời, nhớ lại chùa xưa cảnh cũ, muốn ôn lại những kỷ niệm nơi chốn thiền môn thanh tịnh, để cho buồn khổ tan theo gió mây hay trôi dạt ra tận biển khơi Long Hải, Ông quyết định trở về Chùa Châu Viên, thì than ôi, Hòa thượng Viện chủ đã quy tịch. Không gặp đượcbậc ân sư khả kính, lòng quặn thắt đau buồn, Ông lang thang tìm đến đảnh lễ Hòa Thượng Vĩnh Vô, Viện chủ Chùa Long An, ở Long Điền cần cầu thọ pháp an tâm và đượcNgài ban pháp hiệu là Tâm Đức cho đến bây giờ.
2. Đường Đạo Chấm Dứt, Đường Đời Mở Ra:
Những tưởng, duyên lành đạo mầu sẽ ăn sâu trong tâm thức, nguồn chân giác sẽ khai hoa trổ quả, nào ngờ, năm Ông 14 tuổi, người chị thứ Tư nhận thấy đời sống trong chùa kham khổ, tương dưa rau muối chẳng mang lại công danh hay sự nghiệp. Nên kẻ lớn người nhỏ ngồi lại bàn tán và được sự đồng ý của Mẹ hiền, gia đình quyết định bắt Ông hoàn tục, trở về đời sống bình thường. Lúc đó, người chị thứ Tư đang sinh sống tại Sài gòn, mọi người trong gia đình quyết định giao Ông cho người chị này đem về Sài gòn nuôi dưỡng. Ông được học chữ nghĩa và kiến thức phổ thông ở trường Lê Bá Cang, đường Phan Đình Phùng, gần chợ Đũi, quận 3. Từ đây, chú Sa-di Thiện Bổn đau đớn rời chùa, lìa Thầy tổ, huynh đệ, xa làng xóm yên bình, đến chốn phồn hoa đô thị mà cõi lòng như có trăm nghìn mũi dao cắt đứt, từng thớ thịt, miếng da rướm máu. Nhà người chị Tư ở gần Rạp hát Nam Quang. Trong xóm này có ông Bảy, không biết tên họ hay nghệ danh là gì, nhưng già trẻ bé lớn trong xóm đều gọi ông là Bác Bảy Say với lòng quý mến và kính trọng. Tuy lúc nào ông cũng say xỉn, nhưng Ông lại có biệt tài đàn Tranh. Không biết ông tham gia gánh hát nào, đàn cho ban nhạc nào, mọi người trong xóm chỉ thấy hằng ngày ông ngồi trước nhà dạo những bản nhạc nghe nỉ non ai oán, trầm bổng như chính cuộc đời của ông. Ngoài chuyện học hành tại trường để bồi bổ kiến thức, lúc rảnh rỗi, chú bé Trần Văn Chín hay qua nhà ông Bảy Say để nghe tiếng đàn Tranh trầm buồn lảnh lót như một hình thức giải khuây tiêu sầu. Nào ngờ, nghe chơi mà nhớ thiệt, cộng với thiên tư sẵn có về âm nhạc, thời gian không lâu, Ông bắt đầu đam mê âm nhạc, và món đàn Tranh như một cơ hội mở màn cho cuộc đời âm nhạc của Ông. Có thể nói, đối với Ông, ông Bảy Say là người thầy khai tâm âm nhạc và dạy đàn Tranh cho Ông từ thuở đó!
3. Thăng Trầm Với Nghiệp Cầm Ca:
Năm 21 tuổi, giữa thời buổi loạn ly, đất nước chiến tranh, như bao thanh niên trong xã hội, Ông bị bắt vào TrườngHạ Sĩ Quan Cây Da-Cây Điệp trực thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Gia Định. Vào đường binh nghiệp không lâu, sau đó, vì sức khỏe không cho phép, cộng với đời sống nhà chùa khác hơn đời sống nhà binh, nên Ông quyết định bỏ đời binh nghiệp, trở về Sài gòn, dành hết thời gian khổ luyện ngón đàn tranh cho đến khi thành nghề.
Ngoài thời gian cộng tác với Đài Phát Thanh Sài gòn, Ông còn được Kỳ nữ Kim Cương mời đi biểu diễn ở những rạp hát lớn tại Thủ đô như: rạp Aristo ngay góc đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai, quận I; rạp Khải Hoàn trên đường Cống Quỳnh, quận I và được đặc cách độc diễn bài Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương và bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Thi sĩ Kiên Giang-Hà Huy Hà. Hai bài này, bằng ngón đàn điêu luyện, với giọng hát trầm buồn, khi ray rứt nhưng dứt khoát, lúc não nề nhưng vui nhộn đã làm cho biết bao con tim trào dâng cảm xúc, nước mắt đầm đìa. Ngoài ra,Ông còn được Ban Kịch Tân Vân Nam mời đi lưu diễn các tỉnh miền Tây như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…. Nơi nào Ông cũng để lại nhiều dấu ấn đậm đà và hình ảnh của một nghệ sĩ giản đơn hiền hòa như vùng Châu thổ, nghĩa tình bao la bát ngát như ruộng lúa phì nhiêu.
Trong thời điểm này, Ông còn Độc tấu đàn tranh cho hãng đĩa Asia và số lượng đĩa phát hành bán chạy như tôm tươi. Chính hãng này đã thực hiện một đĩa nhạc Hòa Tấu đặc sắc với sự góp mặt của quý nhạc sĩ nổi tiếng như: Năm Cơ-đờn kìm, Văn Vĩ-đờn Guitar, Ngọc Sáo-đờn Cò, còn Ông đờn Tranh.
Sau đó không lâu, Ông nhận hợp đồng đàn thường trực cho Phòng Trà Lệ Liễu ở Ngã Bảy, đường Lý Thái Tổ, quận 10. Trong danh sách quý nhạc sĩ thường trực tại Phòng Trà này, còn có nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ, Ngọc Sáo, Sáu Tửng. Cùng thời điểm này, Ông cũng dành thời gian xuống tận Cầu Tân Thuận, Nhà Bè đàn cho Quán Ngọc Sơn, như một hình thức kiếm thêm tài chính giúp đỡ gia đình.
Đầu năm 1968, chiến sự khốc liệt, Sài gòn bất ổn, Ông quyết định rời đất Thủ đô ồn náo dễ kiếm tiền, lui về Vũng Tàu mở quán cà phê nhạc Trúc Giangcho khuây khỏa. Bằng khả năng sẵn có, Ông nảy sinh ra hình thức quán ăn mới, có phụ diễn ca nhạc, vui nhộn hấp dẫn và lạ mắt. Là chủ nhân của Quán Trúc Giang, Ông không ngần ngại mời nhạc sĩ mình yêu thích như: Thanh Kim đờn Hạ-uy-cầm và giọng ca nữ ăn khách là Ca sĩ Như Lan. Nơi đây, cũng là tụ điểm cho Ông thi thiết tài năng giảng dạy, vừa đào tạo ca sĩ, vừa tạo công ăn việc làm cho gia đình, nhờ vậy mà tài chính ngày một khấm khá.
Đến năm 1977,thời buổi kinh tế khó khăn chung của đất nước, Ông quyết định rời Vũng Tàu, trở về nguyên quán Long Điền, dứthẳn nghiệp cầm ca và chuyển sang nghề chạy xem Hon-da ôm. Một mặt góp phần phụ giúp gia đình thêm tài chính nuôi cả đàn con ăn học, một mặt làm phương tiện chính đưa rước người vợ yêu quý của mình buôn bán trái cây ngoài chợ Long Điền. Vợ chồng con cái đồng cam cộng khổ để vượt qua thời buổi củi quế gạo châu, thiếu trước hụt sau.
4. Lãng Du Xứ Người:
Có thật vô nghĩa không khi nhắc lại những quá khứ buồn, nằm sâu trong tiềm thức con người? Hay hoàn toàn có ý nghĩa khi lắng nghe tiếng chim hót lúc buổi sớm mai? Xung quanh khu vườn chùa, trên những chiếc lá vàng, từng giọt sương còn lấp lánh như ánh pha lê, như tấm vải the che mặt cô dâu kết bằng những hạt mưa trong trẻo, lạ kỳ!
Sau vài phút suy tư, đăm chiêu, nghệ sĩ lão thành nhìn tôi mỉm cười, uống một chút trà rồi chia sẻ tiếp: Cuối thập niên 90, Ông đã có duyên với nước Úc này rồi và nơi dừng chân đầu tiên là thành phố Melbourne, thời tiết mỗi ngày thay đổi bốn mùa. Là người dạt dào tình cảm, lại có máu đam mê văn nghệ, lúc nào cũng muốn cống hiến tiếng đàn, lời ca cho tha nhân cộng hưởng, Ông đã nhanh chóng có mặt trong một số chương trình văn nghệ với nhạc sĩ Năm Bé và Quang Châu. Sau đó không lâu, Ông được đoàn tụ với gia đình tại thành phố Brisbane vào năm 2005. Chính nơi vùng nắng ấm này, duyên văn nghệ được kết nối với nghệ sĩ Trần Văn Tứ bằng những chuyến đi lưu diễn tận Nam Úc!
Nhớ lại mấy lần cúng Tổ Cải lương, Ông được mời đại diện cho Nhóm Cổ Nhạc Brisbane nguyện hương cúng Tổ. Nhìn Ông thắp hương trước bàn thờ, điệu bộ vô cùng trang nghiêm, giọng đọc ảnh hưởng âm điệu nguyện hương nhà chùa, nghe nghẹn ngào bi thiết. Đọc đến đâu, người nghe đều cảm động nổi da gà và rùng mình. Rất tiếc vào thời điểm đó, chẳng ai lưu ý để thu lại làm tài liệu. Gần đây, tôi có đề nghị Ông dành chút thời gian soạn lại cho Nhóm Cổ Nhạc Brisbane và con cháu sau này làm bài mẫu để học thuộc lòng, để sử dụng mỗi năm trong dịp cúng Tổ Cải Lương, nhưng Ông đã từ chối vì sức khỏe và trí nhớ ngày càng xuống dốc!
5. Tâm Nguyện Cuối Đời:
Sau khoảng một giờ hoan hỷ chia sẻ cuộc đời thăng trầm, hạnh phúc buồn vui với tôi và Nhạc sĩ Văn Luận, thấy thần sắc Ông hơi mệt, nên tôi chuyển sang đề tài uống trà và mời Ông ra ngoài hít thở không khí trong lành.
Khi Ông chuẩn bị đứng dậy bắt tay tạm biệt ra về, tôi tranh thủ hỏi câu cuối cùng:Thưa bác, với kinh nghiệm của một người đã từng gắn bó, đóng góp, phục vụ trong lĩnh vực âm nhạc từ xưa đến nay, đặc biệt trong thời điểm này, sống giữa xứ sở thừa mứa vật chất, văn minh ngập tràn, bác có điều gì muốn nhắn gởi cho con cháu, đặc biệt cho quý nghệ sĩ cổ nhạc tại đây không?
Ông đứng ngẩng người, mỉm cười như e thẹn, nét mặt trầm tư như có điều gì ngại ngùng không muốn nói. Tôi vội vã thưa thêm: bác chỉ nói những gì bác đang thiết tha ưu tư, lo lắng cho nền âm nhạc cổ truyền tại Brisbane thôi!
- Nếu Thầy hỏi làm sao tôi không trả lời, nhất là có dịp tâm sự, chia sẻ nổi lòng của một người gần đất xa trời như tôi. Riêng tôi, tôi chỉ ước mong những anh em có tinh thần mến yêu cổ nhạc, quý vị nên cố gắng duy trì, phát huy ý nhạc cổ truyền của tiền nhân để lại. Đừng vô tình hay cố ý để xao lãng, lu mờ. Ngoài ra, người nghệ sĩ, phải giữ tâm hồn chân chính của mình bằng cách gieo trong trái tim khán giả tình yêu thương vô tận. Bởi vì, âm nhạc cổ truyền là di sản tâm linh của tiền nhân, cố gắng duy trì, phát huy cho thật tốt, đừng vì lý do gì làm cho nó bị mai một!
Đối với người nhạc sĩ, phải cố gắng trau dồi rèn luyện mới hay được. Đối với ca sĩ cũng phải luyện giọng cho tới nơi tới chốn, ca cho tròn chữ. Bởi vì âm nhạc còn thì tiếng Việt còn. Âm thanh, cung điệu của tổ tiên đã lưu truyền từ xưa, được cất chứa trong từng nốt nhạc lời ca đến nay!
Phần tôi, Tết này lên 83 tuổi rồi, tuổi cũng đã cao lắm rồi, tôi chỉ ước muốn tu hành tự giải thoát. Chuyện đờn ca hát xướng thời trai trẻ đã qua đối với tôi rồi. Cái may mắn và phước báu của tôi là không hư đốn và gia đình vợ con cũng đề huề, sống nơi xứ sở tốt đẹp này. Cái may mắn của dân tộc mình là mỗi giai đoạn đều có tài năng xuất hiện. Tuổi này sống được ngày nào hay ngày đó. Cầu mong cho tâm hồn được bình ổn, không bị vướng bận, bị lôi kéo bởi những chuyện ồn ào bên ngoài. Vào ra trong chánh niệm bằng hơi thở của chính mình, bằng tiếng niệm Phật không dứt là hạnh phúc lắm rồi!
Tôi biết, thời gian này, mỗi ngày Ông đều giữ hai thời công phu đều đặn, dù thân tại gia mà tâm hồn như thoát tục. Việc này thấy dễ nhưng không mấy ai thực hiện được, nếu không cố gắng nỗ lực tinh tấn tu hành và tự hạn chế những chuyện không cần thiết. Về sức khỏe, mặc dù hơn 80 tuổi đời, nhưng Ông vẫn khang kiện, đi đứng di chuyển một mình, không thường xuyên cần đến dịch vụ y tế. Có lẽ, nhờ tụng kinh niệm Phật, nhờ thiền định và nhờ tập dịch cân kinh mỗi ngày, kết hợp với đi bách bộ, đốt nhang cúng Phật ở chùa Phật Đà nên mới được như vậy. Hiện tại, dù thời tiết có mưa giông hay nắng cháy da người, Ông vẫn miệt mài, âm thầm giữ đều như lúc tự học đàn năm xưa!!
Thế giới đang quay cuồng theo nhịp sống văn minh tin học. Úc Đại Lợi là một trong những quốc gia giàu có và tiên tiến trên thế giới. Đời sống lúc nào cũng hối hả, chạy theo thời gian, tranh đua vì vật chất. Ôn nhắc lại chút kỷ niệm của một người dày dặn phong sương, đạo-đời thông liễu là việc phải làm và rất cần thiết. Giờ này, bên quê nhà, dàn thiên lý đang đơm hoa, bông mướp vàng mỉm cười trên bờ dậu, những chú ong đập cánh lượn quanh khao khát và đất trời rào rạt vang mãi tiếng nhạc cung đàn. Nơi đây, tôi chân thành ghi lại những dòng chữ thô thiển này, như một lời tri tạ người nghệ sĩ lão thành đã tận tụy với tiếng nhạc lời ca và tận lực với quê hương đạo pháp.
Có lẽ, nhờ những buổi chiều êm ả, những đêm trăng thanh gió mát, tiếng chuông chùa thanh thoát nhẹ rơi, đã đánh thức tâm hồn người nghệ sĩ. Có lẽ, nhờ những lời kinh trầm hùng tha thiết, quyện hòa trong tiếng nguyện cầu từ thuở ấu thơ trong những ngôi chùa tận miền Long Hải xa xăm, đã kết thành tình cảm đậm đà thương đời kính đạo. Tất cả những thiêng liêng quý báu, vô cùng sống động đó, đã ăn sâu trong ký ức của Phật tử thuần thành Thiện Bổn, của nghệ sĩ lão thành Trần Xuân Ngả từ bao kiếp trước, cho đến bây giờ và mãi mãi về sau!!!
TK Thích Thiện Hữu